BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA HIỆU TRƯỞNG KHI HẾT NĂM HỌC

BÀI HỌC KINH NGHIỆM

CỦA HIỆU TRƯỞNG KHI HẾT NĂM HỌC 

IMG20180401093328 IMG20180326092226

  1. Hiệu trưởng là người biết phát huy dân chủ trong nhà trường. Nếu hiệu trưởng biết phát huy dân chủ của tập thể sẽ tạo nên được sức mạnh tổng hợp, để hoàn thành nhiệm vụ. Tức là tạo mọi điều kiện để họ góp ý kiến cho nhà trường về các phương diện. Để làm được điều đó, người hiệu trưởng trước hết phải có cái tâm trong sáng, tấm lòng nhân ái, độ lượng, bao dung, có tính trung thực, không có tính cá nhân và đôi khi cần có một chút khôi hài. Nhưng có khi cũng rất cần có tính cương quyết, dám chịu trách nhiệm trong mọi công việc và phải có nghệ thuật quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ vững. Khi tất cả thành viên trong nhà trường đã trở thành một “tổ ấm” thì sức mạnh đoàn kết giúp họ vượt qua mọi thử thách, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong năm học.
  2. Tư tưởng, nhận thức, ý thức, tinh thần sáng tạo của thầy giáo đóng vai trò quyết định trong quá trình giáo dục và đào tạo hiện nay. Hẳn chúng ta nhiều người còn nhớ câu phương châm cửa miệng của bộ đội và nhân dân ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước “tư tưởng không thông vác bi đông không nổi” và hẳn cũng không quên lời dạy nổi tiếng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “dạy học là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo” và hẳn chúng ta cũng không quên rằng “vì nhau mà đi lên, vì các em mà phấn đấu, hai chữ các em còn nói với chúng ta nhiều điều lắm, nếu chúng ta có đủ trách nhiệm và tấm lòng” của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
  3. Việc đổi mới việc dạy và học trước hết phải bắt đầu từ việc dạy của thầy, vì cách dạy của thầy tác động rất lớn đến cách học của trò. Việc dạy và học trên lớp như là một cuộc trao đổi, giao lưu giữa thầy và trò, khiến cho buổi học diễn ra một cách nhẹ nhàng, thoải mái, sinh động hấp dẫn. Học sinh hăm hở tham gia đóng góp ý kiến vào bài giảng, làm tăng thêm hiệu quả một giờ lên lớp, một buổi học. Các em không bỏ học. Do vậy, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy khả năng tư duy độc lập, sáng tạo cho học sinh là yêu cầu bức xúc và rất cần thiết trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo hiện nay và sau này.
  4. Hiệu trưởng phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở đến các bộ phận và giáo viên sau khi phân công và tổ chức thực hiện. Lãnh đạo nhà trường phải gắn mình với thực tế công việc, sự việc, hiện tượng. Quyết định, phân công, phân loại, khen thưởng, xử lý, giải pháp phải tích cực, đúng người đúng chỗ, kịp lúc, tránh trì chệ, khách quan, thiếu sự chính xác.
  5. Nhà trường mà chủ thể là hiệu trưởng, phải vận động tích cực, vận động để phát triển những nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài làm cho nguồn kinh phí hoạt động giáo dục và đào tạo của nhà trường ngày một to hơn, góp phần tránh đi tư tưởng chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp. Chúng ta phải “tự cứu mình trước khi trời cứu” và với bất cứ nhiệm vụ, công việc và hoạt động nào trong nhà trường.
  6. Trong nhà trường tiểu học trong giai đoạn hiện nay là phải tiết kiệm. Tiết kiệm để mà đi lên. Tiết kiệm không phải là gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Nói theo khoa học, thì tiết kiệm là tích cực chứ không phải tiêu cực. Muốn nhà trường phát triển vững chắc, khang trang và mạnh mẽ, có chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng cao, bền vững, thực chất thì phải có tiền. Muốn có tiền thì phải tiết kiệm và tích trữ. Và tiết kiệm phải bao hàm tiết kiệm thời giờ, trong sử dụng sức lao động và tiền của. Một điều hết sức quan trọng là tất cả mọi người điều phải tiết kiệm và biết tạo ra tiền, không lãng phí, tham ô.

Sáu bài học kinh nghiệm mà mỗi người hiệu trưởng phải tạt dạ ghi lòng và tổ chức thực hiện, nhưng thực hiện được nó không phải là dễ.