PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO TIỂU HỌC

 

PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO TIỂU HỌC
DSC01315

Cách đây 4 thập kỷ, trong tác phẩm “Hiến dâng cho trẻ”, nhà giáo dục VA. Xukhômlinxki đã viết: “Giáo viên cấp I có vai trò to lớn biết nhường nào trong cuộc đời đứa trẻ. Đối với các em, giáo viên là người yêu quý và thân thương như bà mẹ…. Đứa trẻ ngày hôm nay sau này trở thành người như thế nào là tùy thuộc một phần quyết định ở chỗ em đã trải qua thời thơ ấu như thế nào”.

Quả vậy, người giáo viên tiểu học có vai trò thật là quan trọng đối với bậc học đầu đời của tất cả mọi trẻ em. Nó giống như người tạo nền móng của ngôi nhà. Nền móng có tốt, ngôi nhà mới bền vững. Bởi thế, khi bàn về giáo dục cho thế kỷ 21, hội nghị Quốc tế về giáo dục lần thứ 45 họp tại Giơnevơ (Thụy Sĩ) đã nhấn mạnh: “Muốn có một nền giáo dục tốt, cần phải có những giáo viên tốt”.

Giáo viên tiểu học trước hết phải là người mẫu mực. Mẫu mực từ cử chỉ, hành động đến lời nói, việc làm, phong cách sống và cả những nét tính cách. Điều này rất quan trọng. Bởi đối với lứa tuổi nhỏ, người thầy giáo là tấm gương, là “thần tượng” của học sinh. Trong thực tế, ta đã thấy nhiều học sinh nhất cử, nhất động đều làm theo lời thầy. Học sinh thường là phiên bản của thầy giáo. Đúng như ông cha đã nói “Thầy nào – trò ấy”.

Thứ hai, trong phẩm chất của người giáo viên tiểu học, nếu chỉ có yêu thương, tôn trọng và gần gũi với học sinh thì vẫn chưa đủ. Theo tôi, yêu thương trẻ nhưng phải nghiêm với trẻ. Nếu chỉ thương mà không nghiêm thi học sinh sẽ nhờn. Sự nghiêm khắc của giáo viên sẽ chống lại những biểu hiện vô lễ, suồng sã, quá thân mặt và õng ẹo của học sinh. Trong nền giáo dục xưa, chính vì vừa có thương vừa có nghiêm nên thầy giáo dạy học sinh có kết quả hơn là cha mẹ dạy con, nền nếp học hành – thi cử và đạo đức học trò không đáng báo động như hiện nay.

Thứ ba, hơn mọi giáo viên khác, người giáo viên tiểu học cần có đức tính ôn hòa, nhẫn nại. Bởi với lứa tuổi nhỏ, các em còn tự do, chưa có ý thức, chưa có quen với những nền nếp, kỷ luật nghiêm ngặt, lại rất hiếu động, ít tập trung chú ý, nhiều em còn bướn bỉnh hoặc õng ẹo do được nuông chiều. Hơn thế nữa, trước việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa với phương pháp dạy học hướng vào người học, tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh đòi hỏi nhiều yêu cầu phức tạp, khó khăn. Nếu giáo viên không ôn hòa, nhẫn nại, dễ dẫn đến sự nóng nảy, quát tháo, đe dọa, làm cho việc giảng dạy và học tập trở ngại và tổn thương đến tình cảm của các em, thậm chí làm cho học sinh sợ hãi, xa lánh. Chính sự ôn hòa, nhẫn nại, cách nâng đỡ, chờ đợi của giáo viên đối với học sinh tạo nên sự gần gũi, thương yêu giữa trò với thầy và cái nhanh nhẹn, hoạt bát, hồn nhiên vui vẻ của học trò.

Đặc biệt, trong cơ chế thị trường hiện nay, một phẩm chất cần đề cao đối với giáo viên nói chung, giáo viên tiểu học nói riêng đó là lương tâm người làm thầy. Người giáo viên không có lương tâm thì không thể có lòng yêu nước, càng không thể yêu thương học sinh được, dễ dàng bị danh lợi thế gian chi phối, quyến rũ. Tôi nói đến điều này bởi vì, trong cơn lốc của cơ chế thị trường, không ít thầy cô giáo thiếu lương tâm nghề nghiệp, đã lùi bước trước xu hướng thương mại hóa, để cho tiêu cực tràn vào, dẫn đến tình trạng ”mua bán chữ”, tổ chức dạy thêm – học thêm tràn lan với thái độ “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” và vô trách nhiệm với nhiều cảnh đời học sinh cần được sẻ chia, giúp đỡ./.