LÃNH ĐẠO PHẢI CÓ CÁI TÂM

TRƯỚC HẾT LÃNH ĐẠO PHẢI CÓ CÁI TÂM

Trong hoạt động xã hội, trong phát triển kinh tế, chúng ta đều lấy phương châm “năng suất, chất lượng, hiệu quả” mà phấn đấu. Trong giáo dục cũng như các ngành sản xuất muốn có kết quả cao thì công tác quản lý, điều hành là cực kỳ quan trọng và là quyết định. Quản lý tốt thì kết quả công việc đạt cao. Quản lý yếu kém lỏng lẻo thì kết quả công việc sẽ ngược lại.

Hình0881

Trong giáo dục muốn “dạy tốt, học tốt” thì vai trò lãnh đạo của ban giám hiệu, đặt biệt của hiệu trưởng là hết sức cần thiết. Việc đổi mới tư duy trong lãnh đạo chỉ đạo, đổi mới cách quản lý, bám trường bám lớp là điều không thể thiếu được. Lời nói phải đi đôi với việc làm, toàn tâm, toàn ý vì phong trào. Đánh giá đối tượng quản lý phải đúng, khen thưởng kịp thời, tránh chung chung, phiến diện thiếu tính giáo dục. Trường quản lý giáo dục cấp tỉnh, cấp trung ương mở ra để đào tạo cán bộ lãnh đạo các trường, các phòng ban, các sở, … Trong lý luận quản lý đã chỉ ra cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều dẫn chứng cụ thể hấp dẫn sinh động, rất thuyết phục.

Tuy nhiên trong thực tế công tác, người lãnh đạo này có thể đưa tập thể đi lên đạt thành tích cao; giáo viên nhà trường đoàn kết gắn bó phấn đấu đạt nhiều giáo viên giỏi, dạy được nhiều học sinh giỏi các cấp. Cũng cách ấy mà làm nhưng hiệu trưởng khác thì không tạo được uy tín cho mình, cấp dưới không phục lãnh đạo, họ vô hiệu quả vai trò lãnh đạo của cấp trên. Việc dạy việc học chỉ là hình thức và không đem lại kết quả cao. Họ không ủng hộ nhà trường, không ủng hộ lãnh đạo; hiệu trưởng không tổ chức được hoạt động của thầy và trò một cách chặt chẽ đồng bộ; mọi người không tự giác làm việc dẫn đến các hoạt động rời rạc, nhiều mặt yếu kém.

Cho nên cái tài của lãnh đạo là phải thu phục nhân tâm nếu không thì lãnh đạo chỉ là hình thức, thiếu thực chất, thiếu cái hồn. Người ta nói hiệu trưởng là linh hồn của trường học, là con chim đầu đàn của phong trào, rất đúng.

Đã một thời chúng ta tranh luận con người mới quan trọng nhất là đức, là tài? Cần cả hai như nhau hay cái nào quan trọng hơn? Tất nhiên, cần lắm nhân cách con người mới nhưng đặc biệt người quản lý lãnh đạo cần nhất là tính trung thực. Người quản lý muốn nói là tài ba đức độ gì đi nữa nhưng thiếu trung thực là bỏ đi. Người tốt thẳng thắn lại không ủng hộ, không tạo điều kiện cho người ta phấn đấu ! Người xấu xu nịnh lại bao che thăng quan tiến chức cho họ thì làm hỏng phong trào. Người lãnh đạo thiếu cái tâm như vậy sẽ làm mất lòng tin của tập thể.

Hình0892

Đổi mới công tác quản lý nói chung và quản lý giáo dục nói riêng phải có tình người, cái tâm trong sáng. Tính trung thực sẽ là tấm gương sáng ngời cho tập thể noi theo, ủng hộ, phấn đấu cho sự nghiệp, cho lý tưởng cho mong ước của quần chúng. Cho nên, theo tôi “đổi mới công tác quản lý giáo dục” trước hết là người lãnh đạo, người quản lý trong giáo dục hãy thật toàn tâm toàn ý vì giáo dục, vì sự nghiệp trăm năm trồng người./.